Do đó cứ vào dịp cuối năm, phần lớn các gia đình người Việt đều có thói quen dọn dẹp, làm mới, trang hòang lại nhà cửa. Tuy nhiên, để đến cận tết mới quyết định sửa chữa, tân trang lại ngôi nhà của mình thì bạn cần phải cân nhắc thật kỹ. Với 8 lý do sau đây sẽ phần nào giúp bạn đưa ra một quyết định đúng đắn:
1. Dịch vụ sửa chữa nhà quá tải vào dịp tết
Càng gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu sửa nhà đón năm mới của người dân càng tăng cao, nhiều nhà thầu, đội nhóm thợ phải huy động tối đa nhân lực mà vẫn làm không hết việc. Nhiều nhà thầu phải "khóa sổ", không nhận thêm hợp đồng do quá tải... Theo một số nhà thầu dịch vụ sửa chữa nhà thì càng cận tết, dịch vụ này càng rất “nóng”. Dịch vụ sữa nhà hiện nay khá đa dạng. Phổ biến nhất là những công việc như: Đánh véc ni bàn ghế, tủ giường, lăn sơn, chống thấm, ốp trần… cho tới xây chát mới lại toàn bộ ngôi nhà. Tuy nhiên, theo nhiều hộ gia đình: Tìm được một nhà thầu tin tưởng thời điểm này là vô cùng khó khăn, chẳng khác nào “mò kim đáy bể”.
2. Chi phí dịch vụ tăng cao
Khi nhu cầu tăng mà nguồn cung có giới hạn thì việc tăng giá dịch vụ là tất yếu. Ngoài ra, việc bất ổn về nhân lực trong những ngày này cũng là lý do để các nhà thầu có cớ để tăng giá dịch vụ. Tâm lý ngày tết mà, anh em thợ thầy người ở xa thì mong về quê ăn tết sớm, người thì muốn tranh thủ kiếm thêm chút đỉnh, do đó việc điều phối nhân lực của nhà thầu cũng gặp nhiều khó khăn. So với ngày thường thì giá dịch vụ sửa chữa nhà vào những ngày cận tết tăng 15%, 20% là chuyện bình thường. Có nhiều trường hợp thợ thầy đòi giá nhân công cao đến gấp rưỡi mức thông thường, nhưng lâm vào tình thế “ tiến thoái lưỡng nan” nên các “khổ chủ” cũng phải đành chấp nhận.

3.
Giá cả vật tư, thiết bị tăng cao
Thêm vào đó, giá cả vật tư thiết bị vào những ngày này cũng tăng vùn vụt. Đang trong thời kỳ lạm phát nên ngay trong ngày thường, giá sắt thép - xi măng - gạch đá cũng đã liên tục biến động, do đó vào thời điểm cận tết việc tăng giá thêm 7% đến 10% cũng là chuyện bình thường. Nhất là sơn nước, mặt hàng bán chạy nhất cuối năm, cũng liên tục tăng giá, đặc biệt những loại sơn nhập khẩu từ nước ngoài có thể tăng đột biến đến 20%”.
4. Khó kiểm soát được tiến độ
Ngay từ khâu tìm kiếm nhà thầu trong dịp cận Tết, chủ nhà cũng đã ở trong tình thế bị động. Hiếm có nhà thầu nào “gật đầu” liền, họ hứa hẹn rồi ừ è câu giờ giữ mối. Tình trạng quá tải do ôm nhiều “sô” và tâm lý “ mong muốn về quê ăn tết sớm” của anh em công nhân làm cho các nhà thầu khó khăn trong việc điều phối nhân sự ở các công trình. Do đó phần lớn các công trình đều bị chậm tiến độ, kéo dài, mất kiểm soát. Chỉ với một sự cố nhỏ ở công trình này cũng có thể kéo theo ảnh hưởng đến công trình khác như hiệu ứng Đôminô.
5. Không kiểm soát được chất lượng
Khi mà tiến độ đã bị chậm, mất kiểm soát thì tất yếu là phải tăng ca, tăng tốc độ thi công. Chủ nhà lúc này bắt đầu nóng ruột, liên tục hối thúc nhà thầu. Tâm lý làm sao cho nhanh để cả chủ nhà và thợ thầy kịp ăn tết nên không ít các khâu trong quy trình bị bỏ qua hoặc làm cẩu thả. Chẳng hạn như một trong những khâu quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng và thẩm mỹ bề mặt sơn phết là phải làm vệ sinh, chà nhám bề mặt trước khi sơn phủ. Tuy nhiên nếu như tai mắt chủ nhà không để ý hết thì các thợ thầy cũng sẵng sàng bỏ qua công đoạn này hoặc chỉ làm qua loa lấy lệ. Hoặc việc lắp đặt lại các thiết bị thì chuyện lắp thiếu ốc vít cũng là chuyện bình thường…
6. Khó được như ý
Với tất cả các áp lực về thời gian tiến độ, chất lượng, chi phí như trên thì khó có công trình nào đạt được như ý mong muốn của chủ nhà. Đụng đâu cũng thấy không vừa ý do sai xót hay phát sinh những điều không mong muốn. Muốn điều chỉnh lại chỗ nào đó cho vừa ý cũng cân nhắc sợ có kịp xong trước tết không. Hay một số vật tư thiết bị nào đó được đặt trước nhưng giao hàng không đúng mẫu mã chủng loại thì cũng đành ngậm bồ hòn mà chịu. Cũng có lắm trường hợp “dở khóc dở cười” khiến chủ nhà phải quay sang o bế chiều lòng các thợ thầy. Lúc này thay vì hò hét đôn đốc, chủ nhà phải nhẹ lời động viên hay thiếu điều năn nỉ nữa. Thôi thì chấp nhận hết miễn là công trình xong sớm còn kịp dọn dẹp đón tết.
7. Mất nhiều thời gian, công sức
Vào những ngày giáp Tết, mọi người ai cũng tất bật với công việc, như quyết toán sổ sách, giải quyết tiền nong, chạy doanh số… chẳng có lúc nào rảnh tay cả. Do đó nếu quyết định sửa nhà vào những ngày này thì thật sự là một áp lực lớn cho gia chủ. Nhiều nhà phải huy động hết cả gia đình và người thân tham gia vào việc kiểm tra giám sát, chạy vật tư, đi chọn mẫu… Nhiều trường hợp chủ nhà cũng phải sắn tay áo lên lao vào làm cùng với thợ thầy. Rồi dọn dẹp, vệ sinh, sắp xếp lại các vật dụng, ổn định nhà cửa cũng chiếm mất bao nhiêu thời gian công sức của gia chủ.
8. Mất sức khỏe, hao tổn tinh thần
Thật sự nói đến việc sửa nhà ai cũng sợ. Nếu sửa chữa lớn thì phải nghĩ đến chuyện thuê nhà bên ngoài ở một thời gian. Việc dọn chuyển nhà, thay đổi chỗ ở ít nhiều cũng ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt của cả gia đình. Người lớn còn cũng cảm thấy khó thích nghi, với con nít lại là cả một vấn đề, vô cùng cực khổ nếu các điều kiện sinh hoạt không được tương xứng như ở nhà. Còn sửa chửa nhỏ, thì cũng phải sắp xếp đồ đạc từ phòng này sang phòng nọ.Các thành viên trong gia đình vẫn phải sinh hoạt trong chính ngôi nhà của mình, nhưng phải tập làm quen và đối mặt với ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn. Trong khi đó, đây là thời điểm thời tiết đang dần trở lạnh nên rất dể đổ bệnh. Ngoài ra, việc bạn vừa phải quán xuyến công việc xây dựng, vừa trông coi tài sản thì quả là vất vả, tinh thần bất an. Cho dù bạn có giao phó công việc đó cho một chủ thầu, thì người trông coi và kiểm tra cuối cùng vẫn phải là bạn.