Tây Nguyên, với đặc trưng lắm gió và mưa nhiều, cho nên vùng đất đỏ bazan này dễ lầy lội vào mùa mưa, và lắm bụi vào mùa khô. Thích nghi với thổ nhưỡng, ngôi nhà của cộng đồng cư dân sinh sống nơi đây thường là kiểu nhà sàn cao ráo, sạch sẽ lại vừa thoáng mát.

Đặc điểm chính của nhà dài Ê Đê là thường rất dài vì là nơi ở chung có khi của cả một dòng họ theo mẫu hệ và thường xuyên được nối dài thêm mỗi khi một thành viên nữ trong gia đình xây dựng gia thất. Vì vậy có những huyền thoại
nhà dài như tiếng chiêng ngân bởi vì đứng ở đầu nhà đánh chiêng thì cuối nhà chỉ còn nghe rất nhỏ, ra khỏi là mất luôn, không còn nghe thấy gì nữa.
Nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê đều xây dựng bằng nguyên liệu sẵn có của núi rừng như khung nhà bằng gỗ, xương mái và sàn bằng tre nứa, mặt sàn, vách bao quanh nhà bằng phên nứa đập nát, mái lợp cỏ tranh đánh rất dày. Đỉnh mái cách sàn nhà chừng 4-5 m. Gầm sàn cao khoảng hơn 1m, trước đây luôn được dùng làm nơi nuôi nhốt gia súc, tuy nhiên sau này đã bỏ dần phong tục cũ này. Nhà sàn dài trong các buôn làng đều có đòn nóc nằm dọc theo hướng Bắc- Nam, cửa ra vào, cầu thang lên xuống thường mở hai đầu hồi, tránh được gió Đông Bắc vào mùa khô, gió Tây Nam vào mùa mưa. Mái nhà dài nằm cắt ngang đường đi của mặt trời nên tránh được giờ chiếu nắng cao nhất trong ngày.
Hệ thống cột kèo nhà được làm bằng gỗ tốt, chịu được khí hậu nóng ẩm qua năm tháng. Các cột, kèo thường được đẽo gọt, trang trí bằng hình ảnh các con vật như voi, ba ba , kì đà,… Phía trước nhà là cầu thang đi lên xuống, được chạm khắc hình đôi bầu sữa, xung quanh là hình đôi chim cu đất hay hình mặt trăng khuyết, phía trên uốn lượn tựa hình ngọn sóng. Cũng giống như hệ cột kèo, các cầu thang luôn được đẽo bằng tay với cây rìu truyền thống. Từ xa xưa, chiếc cầu thang luôn là niềm tự hào của gia đình gia chủ, số bậc trên cầu thang luôn luôn là số lẻ, thường là 7 bậc, đây là con số lý tưởng đối với đồng bào Êđê. Cầu thang thường có hai chiếc, một dành cho khách, chiếc còn lại dành riêng cho chủ nhà và tất nhiên khách không được đi bằng cầu thang này.
Cấu trúc nhà dài Êđê có ba phần: Sân sàn, ngăn khách và ngăn ở. Điều này thể hiện quan niệm của người Ê đê, ngôi nhà không chỉ là nơi ở của gia đình mà còn thể hiện nếp sống, sự giàu sang và địa vị của gia đình đó trong cộng đồng. Mỗi phần đều có tác dụng riêng và mỗi ngăn phải được sử dụng theo mục đích, yêu cầu riêng, sao cho mọi người nhìn vào đều phân biệt được cả hình thức và nội dung của từng ngăn trong ngôi nhà dài. Ngay cả cửa sổ bên hông ngôi nhà, nhìn vào ai cũng biết trong ngôi nhà dài này đã có bao nhiêu phụ nữ đã lập gia đình, bao nhiêu chưa có gia đình... Ðó là nét văn hóa độc đáo mà cộng đồng dân tộc này lưu truyền, gìn giữ từ xa xưa cho đến hôm nay.
Sân sàn ở phía trước nhà trong tiếng Ê đê là Dring Gah, là nơi giã gạo, nơi ngồi trò chuyện của gia đình sau ngày lao động. Và còn một sân sàn nữa ở phía sau nhà, đây là lối đi riêng của những người trong nhà, khách không được đi thang này.
Bên cạnh hai sân sàn trước và sau, bên trong nhà được chia làm hai gian rõ ràng. Nửa đằng cửa chính là Kpưr Gah, là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung và là nơi ngủ của người con trai chưa vợ. Đây là nơi chứa các vật dụng như bếp chủ, ghế khách, ghế chủ. Trong những gia đình giàu có, đều trưng các bộ chiêng, ché hay các vật dụng đắt tiền và một chiếc ghế dài gọi là K’pan. Ghế được làm bằng lõi một cây cổ thụ nguyên cây, không bị sâu bệnh và đặc biệt là trên cây này không được có cây tầm gởi sống bám; trong quan niệm của người Ê Đê nếu làm Kpan bằng cây có tầm gởi tức là mang ma về nhà. Và chiếc K’pan thường dùng cho các nghệ nhân đánh chiêng trong những lễ hội, cúng mừng của gia đình hay cộng đồng.
Nửa còn lại gọi là
Ôk là bếp nấu ăn chung và là chỗ ở của các đôi
vợ chồng, chia đôi theo chiều dọc, phần về bên trái được coi là "trên" chia thành nhiều gian nhỏ. Phần về bên phải là
hàng lang để đi lại. Người Ê đê theo chế độ mẫu hệ như đã nói ở trên, phụ nữ gần như nắm giữ toàn bộ sinh hoạt trong gia đình. Ngăn đầu tiên tính từ sân sàn nhà là phòng của bà chủ nhà, gian này đặt bếp nấu ăn và bầu đựng nước sinh hoạt cho cả ngôi nhà. Kế tiếp là gian của người con gái út, khi bà chủ mất hay tuổi đã già yếu thì "chức chủ nhà" giao cho cô con gái út. Những người con gái còn lại trong gia đình khi kết hôn sẽ lần lượt nối dài ngôi nhà thành gian ở cho mình.
Ngôi nhà dài không chỉ là nơi ở mà còn thể hiện yếu tố tâm linh, như cột cúng Yàng là chiếc cột của gian nhà bà chủ. Việc hình thành ngôi nhà dài là vấn đề quan trọng, nó được thể hiện từ chỗ bà chủ nhà mời thầy cúng thần chọn đất dựng nhà đến khi làm các chi tiết trên từng cột nhà, nhất là cột khách, cột chiêng, cầu thang... và bà chủ nhà là người chặt nhát dao đầu tiên cũng như cuối cùng lên vật dựng làm nhà.
Nhà dài Ê đê là nơi sinh sinh hoạt chung của cả gia đình, và là nơi hội họp của buôn làng trong những dịp lễ hội cúng Giàng. Nếp sinh hoạt này tạo sự đồng thuận, gắn bó giúp đỡ nhau trong gia đình cũng như trong buôn làng. Hình ảnh ngôi nhà dài như con thuyền lướt sóng, chiếc cầu thang mang biểu trưng của sự phồn thịnh của đôi bầu sữa, một biểu trưng độc đáo. Cùng với không gian văn hóa cồng chiên của đồng bào dân tộc Tây Nguyên tạo nên nét văn hóa đặc trưng không thể nhầm lẫn với bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh như ngày nay, những nét văn hóa trên đang dần mai một trong cộng đồng Êđê. Để bảo tồn và phát huy nét văn hóa này, cần sự quan tâm đầu tư từ rất nhiều cơ quan ban ngành, cả cộng đồng và xã hội.
Nhà dài truyền thống còn lưu giữ của người Êđê tại Buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, Tp. Buôn Ma Thuột, Dăk Lăk.(sưu tầm)
Nguyễn Ngọc Toàn