Độ cao của Tokyo Sky Tree đã vượt qua hai tháp viễn thông hàng đầu khác là tháp Canton ở Quảng Châu, Trung Quốc (600m) và tháp CN ở Toronto, Canada (553m). Đây cũng là công trình kiến trúc cao thứ hai thế giới, sau tòa tháp Burj Khalifa cao 828m ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Trong tiếng Nhật "634" phát âm là "moo-sa-si": Đây là tên địa danh rất cổ thuộc Tokyo, nơi hiện tại ngọn tháp được dựng lên. Với người dân Nhật Bản, đây là sự kiện vô cùng tự hào và đáng nhớ, ai cũng muốn có cơ hội vào cửa và điều đó đã tạo nên một cơn sốt.
Tokyo Sky Tree được khởi công xây dựng ngày 14/7/2008 theo thiết kế của kiến trúc sư Nikken Sekkei. Nhà thầu thi công chính là công ty Obayashi Corp. Việc xây dựng Tokyo Sky Tree được thực hiện trong gần bốn năm với chi phí khoảng 806 triệu USD, và được hoàn thành vào ngày 29/2/2012.
Tháp Tokyo Sky Tree được sử dụng để phát sóng truyền hình và phát thanh kỹ thuật số, hệ thống định vị vệ tinh. Tuy nhiên tháp truyền hình lại được kỳ vọng là biểu tượng sẽ thu hút du khách quốc tế đến với Nhật Bản. Do đó, ngòai 2 sảnh quan sát dành cho du khách ở độ cao 350m và 450m với các hệ thống nhà hàng, cà phê và các cửa hàng lưu niệm có sàn bằng kính trong suốt để du khách ngắm nhìn thành phố ngay dưới chân mình và tận hưởng vẻ đep của Tokyo. Bên trong tòa tháp còn có cả một khu phức hợp hiện đại bao gồm các hệ thống cửa hàng, của hiệu, siêu thị, trung tâm vui chơi giải trí, hồ cá cảnh… được bố trí ở năm tầng đầu tiên của tháp.
Thiết kế của tháp tạo nên tư thế đĩnh đạc trang nghiêm và khi di chuyển lên từ chân đến đỉnh tháp, hình thức kết cấu thay đổi từ hình tam giác đến hình tròn tùy thuộc vào góc tòa tháp được xem là một điểm nhấn độc đáo không giống như bất cứ tòa tháp nào trên thế giới. Ánh sáng được thiết kế để tăng vẻ huyền ảo của tháp bằng cách hòa trộn giữa các phần sáng tối.
Cấu trúc và sự tương tác giữa các tầng tháp được cho là giúp giảm thiểu tối đa ảnh hưởng trong trường hợp động đất hoặc khi có gió lớn với tốc độ 80m/s (290km/giờ). Tokyo Sky Tree được thiết kế có thể chịu được động đất 8 độ richter, tương đương trận động đất xảy ra vào tháng 3 năm 2011 vừa qua. Để thỏa mãn yêu cầu trên, các kiến trúc sư đã thiết kế kết hợp một lõi hình trụ bằng bê tông cốt thép và phần kết cấu thép bao bọc bên ngoài. Lõi tòa tháp nối với vỏ bên ngoài bằng những hệ thống dẫn như những nhánh cây, và đây chính là lý do tòa nhà có tên “Tháp Cây chọc trời”. Toàn bộ hệ thống này giúp giảm được lực kéo và vì vậy cũng giảm được những rung động lắc lư trong những trận động đất tới 40%.


Với đế hình tam giác, Tokyo Sky Tree vươn lên không trung giống như một ống thép khổng lồ. Phần quan trọng nhất của tòa tháp Tokyo Sky Tree là tháp ăng-ten trên đỉnh. Vậy làm sao có thể thi công phần tháp ăng ten trên độ cao 500m của cột tháp đảm bảo an toàn và chất lượng?
Việc lắp ráp tháp ăng – ten được tiến hành trên mặt đất, công việc này được tiến hành bắt đầu từ phần đỉnh bên trong khoảng trống ở chính giữa tòa tháp trước khi xây dựng lõi hình trụ bằng bê tông cốt thép (Shimbashira). Tháp ăng-ten được kéo lên dần dần và lắp thêm các đoạn liên tiếp ở dưới. Tháp ăng-ten được kéo lên từ bên trong tòa tháp tới đỉnh. Nhờ phương pháp này mà phần tháp ăng-ten cao khoảng 200m được thi công một cách chính xác, an toàn và chất lượng. Đồng thời, quá trình thi công công trình nhanh hơn do ăng-ten được lắp ráp trên mặt đất cùng lúc với việc xây dựng tòa tháp phía trên đài quan sát thứ nhất.
Phần lõi hình trụ bê tông cốt thép được xây dựng trong phần trống sau khi đã nâng tháp ăng-ten lên bằng phương pháp ván khuôn trượt do Công ty Obayashi phát minh. Bê tông được rót liên tục vào trong ván khuôn trượt lên trên sau khi phần bê tông bên dưới ninh kết. Với công nghệ thi công này, thời gian thi công phần lõi công trình được rút ngắn tối đa kể cả trong không gian hạn hẹp ở chính giữa tòa tháp.
Nguyễn Ngọc Tòan tổng hợp,